Phương pháp tu tập Thiền_tông

Chỉ thẳng vào tâm

Trong lịch sử Thiền tông, có nhiều vị Thiền sư hành động kỳ lạ và trái với bình thường để làm cho người tham học được ngộ như đánh, hét, mắng chửi, dựng phất tử... hoặc thông qua hỏi đáp mà được khai ngộ. Vị thầy là người đã triệt ngộ có khả năng quán xét tâm của người học và đưa ra những phương thức chỉ dạy phù hợp để làm cho người đó ngộ, nếu không hợp cơ duyên, vị thầy sẽ chỉ người học đến nơi khác tham vấn, những phương pháp này tuy lời nói, hành động có khác nhưng cũng giống như việc Đức Phật niêm hoa thị chúng vào 2500 năm trước không khác. Hoặc cũng có nhiều vị tự ngộ trong lúc đang tu tập, như Thiền sư Hương Nghiêm Trí Nhàn nghe tiếng từ bụi tre phát ra mà ngộ, Thiền sư Linh Vân Chí Cần thấy hoa đào nở mà ngộ, Thiền sư Động Sơn Lương Giới thấy bóng mình dưới nước mà ngộ. Kỳ thật thiền không có một bất kỳ hình thức tu tập đặc thù nào như các tông phái khác, các vị Thiền sư như những vj thầy thuốc tùy bệnh mà cho thuốc, hay tùy ổ khóa mà dùng chìa khóa phù hợp để mở cửa. Các Thiền sư cũng là người phá chấp, phá bỏ những tâm tư, tư tưởng dính chăt trong lòng người học để giúp họ khai ngộ, như công án Đan Hà thiêu Phật gỗ, Hoàng Bá đánh Sa di vì không chịu lễ bái...

Các công án nói về những đề tài này rất nhiều, đặc biệt trong bộ "Cảnh Đức Truyền đăng lục" được truyền tụng là ghi lại 1700 công án có đủ các loại cơ phong giáo hóa thiện xảo của các bậc Thiền sư.

Một số công án điển hình về những phương thức giáo hóa đặc biệt này: Thiền sư Triệu Châu dùng những lời nói ôn hòa, dịu dàng làm cho người ngộ ngay trong hiện tiền:

Vị tăng đến tham vấn Thiền sư Triệu Châu Tòng Thẩm, Tăng nói: Con vừa mới đến, xin thầy từ bi chỉ dạy!

Triệu Châu hỏi: Ông đã ăn cháo chưa?

Tăng đáp: Con đã ăn cháo rồi!

Triệu Châu bảo: Đi rửa bát đi.

Vị tăng nghe câu này xong liền đại ngộ.

Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền dùng cơ phong đánh, hét mạnh mẽ để khai thị cho người:

Có Thượng tọa Định đến tham vấn, hỏi: "Thế nào là đại ý của Phật Pháp?"

Lâm Tế xuống thiền sàng, nắm chặt Thượng tọa Định rồi cho một bạt tay, liền xô ra.

Định đứng chưng hửng. Vị tăng bên cạnh nói: "Thượng-tọa Định sao không lễ bái?". Định vừa lễ bái, hoát nhiên đại ngộ.

Thiền công án, thoại đầu

Thư pháp chữ Vô trong công án nổi tiếng Con chó của Thiền sư Triệu Châu.

Thiền công án là một trong các phương pháp thực hành tu tập Thiền Tông còn tồn tại đến ngày nay. Công án có thể là những đoạn kinh vấn đáp giữa Phật với Bồ Tát hay các vị đệ tử, hay là những đoạn đối thoại giữa Thiền sinh và các vị Thiền sư, các vị Thiền sư với nhau, hoặc cả những lời nói, thượng đường thuyết pháp của các ngài. Thoại đầu là chổ trọng yếu, tâm điểm của công án, thường là một chữ duy nhất hay các câu nói, ví dụ như trong công án Con chó của Triệu Châu, thoại đầu chính là nằm ở chữ Vô, hay trong các tùng lâm Thiền Tông xưa thường sử dụng các câu thoại đầu phổ biến để tu tập như: Muôn pháp về một, một về chổ nào?, Chẳng phải Tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật, là cái gì?.... Một công án có thể có nhiều thoại đầu khác nhau và thoại đầu thường chỉ có một chữ duy nhất. Công án, thoại đầu bắt đầu được sử dụng phổ biến vào thời Tống, đặc biệt ở trong Tông Lâm Tế, để đối lại với khuynh hướng khẩu đầu thiền, tức là các vị tăng chỉ xem trọng việc đọc thuộc, ghi nhớ những hành động, lời đối đáp của các vị Thiền sư để thể hiện rằng mình đã ngộ, tăng cao ngã mạn, biến Thiền thành trò chơi phàm học, mà không chú trong đến việc chân thật liễu ngộ. Thiền sư Đại Huệ Tông Cảo trong tông Lâm Tế là người tích cực đề xướng và có ảnh hưởng nhất đối với hệ thống Thiền công án, Thoại đầu, sư thường viết thư để đáp về vấn đề thực tập Tham Thiền cho các đệ tử, cư sĩ. Việc dùng công án, thoại đầu trong tu tập để cắt đứt tất cả mọi lý luận, kinh nghiệm do ghi nhớ, hiểu biết, thấy nghe mà có được, chỉ chuyên tâm vào một mối nghi tình duy nhất, đến khi cơ duyên chín mùi thì khối nghi tình bùng vỡ, liền khai ngộ được Phật tính của chính mình xưa nay, công án, thoại đầu càng bí hiểm, nan giải bao nhiều thì càng dễ kích thích phát khởi nghi tình mạnh mẽ bấy nhiêu.

Công Án Thiền Con Vịt Một Chân (Tinh Vân Thiền Thoại)

Thông thường, tổng số Công án là một nghìn bảy trăm tắc, nhưng thực tế thì chưa hẳn đã đúng con số một nghìn bảy trăm, mà được dùng một cách phổ biến thì chỉ độ năm trăm tắc mà thôi, ngoài ra, hoặc là trùng lắp, hoặc chỉ có ít giá trị tham cứu. Lúc đầu, Thiền tông chỉ có Ngữ lục, về sau, sách Ngữ lục mỗi ngày một nhiều, nên các ngữ lục mới được lựa chọn và biên tập thành sách Công án. Những bộ công án tiêu biểu có kèm theo những lời bình, kệ tụng của các vị Thiền sư như quyển Vô Môn Quan, Bích Nham Lục, Thung Dung Lục.. khá phổ biển và được ứng dụng tu tập rất rộng rãi.

Theo như Thiền sư Trung Phong Minh Bản thì Công án, thoại đầu có 5 nghĩa trọng yếu như sau: 1. Làm công cụ cho sự ngộ Thiền, 2. Làm phương pháp khảo nghiệm, 3. Làm khuôn phép cho đời sau nương tựa, 4. Làm vật tin cho sự ấn chứng, 5. Làm tiêu điểm cùng tột.

Điều kiện tiên quyết để đạt được giác ngộ thông qua phương pháp tham công án, thoại đầu là ba yếu tố sau:

  1. Đại Tín căn: lòng tin chân thật, sâu sắc về nhân quả, lời dạy của chư Phật xuất phát từ tự tâm chính mình, tin rằng mình và tất cả chúng sinh đều có phật tính, đầy đủ công đức, trí huệ bình đẳng như mười phương chư phật, chỉ do vọng tưởng nên mới luân luân hồi, ngộ tự tính thì liền được thành Phật.
  2. Đại Nghi Đoàn: mối nghi tình chân thật, sâu đậm, mạnh mẽ, lìa tư duy, suy nghĩ hiểu biết của dòng ý thức.
  3. Đại Phấn Chí: lòng kiên trì, quyết tâm nỗ lực dụng công phu tu hành, tham thiền cho đến khi liễu ngộ mới thôi. Trong quá trình tu tập không được vì khó nhọc, gian nan mà thối lui.

Một số lời khai thị của Tổ sư về pháp môn Thiền công án, thoại đầu:

Công phu có thuần thục hay không thuần thục, nghi tình có khởi hay không khởi. Người xưa nói: "Tham thiền không bí quyết, chỉ cần sanh tử thiết". Một cái tâm vì việc lớn sanh tử nầy của ông chí thiết chí chân, chỉ từ trên cái tâm chân thiết đều là nghi tình, tự nhiên chẳng cần buông bỏ hay bày đặt. Làm lâu ngày, cái tâm thiết tha vì sanh tử chẳng gián đoạn thì đầu đuôi xâu suốt, thì còn có pháp nào có thể làm chướng ngại!

— Thiền sư Trung Phong Minh Bản, Trung Phong Pháp Ngữ, Ht Thích Duy Lực dịch

Tham thiền đầu tiên cần phải phát tâm phá vỡ sanh tử cho vững chắc, thấy rõ thế giới, thân tâm thảy đều là giả duyên không có chủ tể. Nếu chẳng phát minh cái lý vĩ đại sẵn có thì tâm sanh tử chẳng vỡ. Tâm sanh tử đã chẳng vỡ thì làm sao trừ được con quỷ vô thường giết người trong mỗi niệm chẳng dừng. Hãy đem một niệm này làm viên ngói gõ cửa, tương tợ như ngồi trong đống lửa lớn muốn cầu thoát ra, đi bậy một bước chẳng được, dừng lại một bước chẳng được, sanh một niệm khác chẳng được, mong người khác cứu chẳng được. Ngay lúc ấy chỉ cần chẳng màng đến lửa lớn, chẳng màng đến thân mạng, chẳng mong người cứu, chẳng sanh niệm khác, chẳng chịu tạmdừng, chạy thẳng đến trước, chạy được thoát mới là tay tài giỏi. Tham thiền quý ở chỗ khởi nghi tình. Cái gì là nghi tình? Như sanh chẳng biết từ đâu đến, chẳng được chẳng nghi chỗ đến. Tử chẳng biết đi về đâu, chẳng thể chẳng nghi chỗ đi. Cửa ải sanh tử chẳng phá vỡ ắt nghi tình liền phát, treo ở trên lông mày, buông cũng chẳng xuống đuổi cũng chẳng đi. Bỗng một mai đập vỡ khối nghi, hai chữ sanh tử thành cái đồ tầm thường trong nhà. Cổ Đức nói: "Nghi lớn ngộ lớn, nghi nhỏ ngộ nhỏ, chẳng nghi chẳng ngộ".

— Thiền sư Bác Sơn Nguyên Lai, Tham Thiền Cảnh Ngữ

Khán thoại đầu trước cần phải khởi nghi tình, đó là chỗ nương nhờ của pháp khán thoại đầu. Sao gọi là nghi tình? Như hỏi niệm Phật là gì? Người người đều biết chính mình niệm. Nhưng là miệng niệm hay tâm niệm? Nếu thật miệng niệm, khi ngủ mê vẫn có miệng sao không niệm? Nếu thật tâm niệm, tâm hình dáng thế nào, lại không có chỗ nơi sờ mó? Nhân chỗ không rõ này, trên chữ gì phát khởi niệm nghi nhẹ nhàng tế nhị, không cho thô, càng tế càng tốt. Tùy thời tùy chỗ chăm chú chiếu cố quyết chí nơi niệm nghi này, giống như dòng nước không có chỗ đoạn, không sanh hai niệm. Nếu niệm nghi còn thì không cần để ý đến nó, niệm nghi nếu mất lại nhẹ nhàng đề khởi lên. Khi mới dụng tâm thì trong tịnh, trong động so sánh rất đắc lực. Nhưng cốt không sanh tâm phân biệt, không quan tâm đến đắc lực hay không đắc lực, không chú ý trong động hay trong tịnh, ta chỉ nhất tâm, nhất ý dụng công là tốt.

— Thiền sư Hư Vân, Hư Vân Pháp Ngữ

Tăng hỏi: Con dụng công tham thiền luôn luôn chẳng lìa cái này(tức thoại đầu), như tham niệm Phật là ai, đi, đứng, nằm, ngồi suốt ngày cũng chẳng lìa câu "niệm Phật là ai?" này, tại sao dụng công nhiều năm mà chẳng minh tâm kiến tính?Thiền sư Nguyệt Khê nói: Ông dụng công như thế là niệm thoại đầu, chẳng phải tham thoại đầu, tham thoại đầu phải hướng vào nội tâm tham cứu, tức là khởi nghi tình, đâu phải dùng miệng niệm mà được kiến tính, Phật tính vốn là Phật, Phật chẳng niệm Phật, nay ông nên dùng cái tư tưởng niệm thoại đầu này hướng vào chỗ Phật chẳng niệm Phật nhìn thẳng đi, xem coi là cái gì, đi,đứng, nằm, ngồi chớ nên gián đoạn, một hôm hầm sâu vô minh bị phá tan, liền được kiến tính.

— Thiền sư Nguyệt Khê, Cội Nguồn Truyền Thừa và Thiền Thất Khai Thị Lục

Đối với việc thực hành Thiền Tông, mỗi hành giả chỉ nên chọn cho mình một công án hay câu thoại nào đó và kiên trì ứng dụng tu cho đến Kiến Tính. Công án, câu thoại càng nan giải, khó hiểu, càng thân thiết với bản thân mình bao nhiêu thì càng tốt cho công phu tu hành bấy nhiêu, vì nó lìa tâm ý thức tìm hiểu của bộ não- vốn là nguồn gốc của sinh tử luân hồi. Vài trăm năm trở lại đây, trong nội bộ Tông Lâm Tế Nhật Bản có diễn ra tình trạng tệ nạn trong việc tu tập công án, thoại đầu ở một số nơi. Người ta không còn chú ý đến việc thật tu liễu ngộ nữa mà chỉ là tìm câu trả lời cho công án, giải đáp càng nhiều công án càng tốt, một người đệ tử sau khi hoàn thành đầy đủ câu trả lời đối với tập công án mà thầy trao sẽ được công nhận việc hoàn thành tu Thiền và trở thành Thiền sư, Lão sư (ja: Roshi). Điều này đã làm ảnh hưởng xấu đến việc thực hành Thiền Tông và bị các thiền sư khác ở Nhật Bản, Hàn Quốc chỉ trích mạnh mẽ đường lối tu sai lầm này. Vì giải đáp, tìm đáp án của công án chỉ đưa đến việc tăng thêm tri kiến, hiểu biết về công án chứ không giúp hành giả đạt đến Kiến Tính mà trái lại, còn làm cho người tu bị chướng ngại, chấp ngã vào những tri kiến, hiểu biết của mình.

Đến nay, Thiền công án, thoại đầu vẫn là phương pháp tu hành phổ biến ở tại các Thiền đường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, và được các Thiền sư Nhật Bản, Hàn Quốc truyền bá sang phương Tây vào thế kỷ 20, 21 và có nhiều người tìm hiểu và ứng dụng tu tập.

Thiền mặc chiếu

Các thiền sinh trong thiền viện tông Tào Động Nhật Bản thực hành Chỉ Quán Đả Tọa

Mặc Chiếu Thiền (黙照禪) hay còn gọi là Hoằng Trí Thiền (宏智禪) được Thiền Sư Hoằng Trí Chính Giác khởi xướng tại Trung Quốc đời Tống. Mặc là lặng yên, chuyên tâm ngồi thiền; Chiếu là dùng trí quán chiếu tâm tính linh tri xưa nay vốn thanh tịnh. Thiền Sư Chính giác cho rằng thực tướng tức là tướng mà vô tướng, chân tâm tức là tâm mà vô tâm, chân đắc tức là đắc mà vô đắc, chân dụng tức là dụng mà vô dụng, cho nên ngài chủ trướng "tọa không trần lự"(ngồi mà không suy tư) để yên lặng quán chiếu, không cần phải cầu đại ngộ, chỉ tọa thiền với thái độ vô sở đắc, vô sở ngộ. Mặc chiếu Thiền bị Thiền Sư Đại Huệ Tông Cảo thuộc Lâm tế tông bài bác, đả kích mạnh mẽ và chê bai bằng những từ ngữ như: Mặc chiếu tà thiền, Vô sự thiền, Khô mộc tử khôi thiền (Thiền cây khô tro lạnh)...Sự việc này là do sự khác biệt giữa thiền phong của Thiền sư Tông Cảo và Thiền sư Chính Giác. Thiên Sư Đại Huệ đề xướng việc tham cứu, khán thoại các công án của cổ nhân để khế nhập phật tính triệt ngộ cho nên phê phán việc Thiền Sư chính giác dạy chủ trương im lặng ngồi thiền xoay mặt vào vách mà bỏ việc tham ngộ tu chứng.

Một buổi tọa Thiền

Để phản bác ý kiến của Thiền Sư Đại Huệ thì thiền sư Chính giác soạn 1 bài minh "Mặc chiếu" (toàn bài gồm 72 câu, mỗi câu 4 chữ, tất cả có 288 chữ) để phản bác, cho rằng tọa thiền im lặng có công năng làm cho tác dụng của trí tuệ được hoạt bát, tự nhiên chiếu suốt tự đáy nguồn tâm tính, là Thiền chân thực, chính truyền của Phật Tổ; trong văn cũng chê pháp Thiền "Khán thoại đầu" của thiền sư đai huệ là chỉ chấp chặt vào công án mà thôi.

Tuy nhiên giữa Thiền Sư Đại Huệ và Thiền Sư Chính Giác có mối thâm giao pháp hữu với nhau: Thiền Sư Khắc CầnThiền Sư Đại Huệ từng đề cử Thiền Sư Hoằng Trí đến trụ trì tại Vân Cư Sơn. Khi Thiền Sư Đại Huệ đến trụ trì tại chùa A Dục Vương, tăng chúng hơn ngàn người, lương thực, vật chất thiếu thốn. Thiền Sư Hoằng Trí đã quyên ghóp lương thực, vật chất khiến cho tăng chúng ở chùa A Dục Vương được đầy đủ. Thiền Sư Đại Huệ từng ca ngợi Thiền Sư Hoằng Trí rằng: " Nếu không phải cổ Phật tái sinh thì đâu có được việc này ". Trước khi tịch, Thiền Sư Hoằng Trí đã viết thư nhờ Thiền Sư Đại Huệ hoàn thành cuốn Thong Dong Lục và tìm người kế tiếp trụ trì tại Thiên Đồng Cảnh Đức Thiền Tự. Qua đó, cho thấy rằng phương pháp và quan điểm của hai tông không qua khác biệt như các đệ tử đời sau chứng minh.

Phương pháp Thiền Mặc Chiếu này trước kia phát triển cùng với Lâm tế tông tại Trung Quốc Nhưng vài trăm năm sau bị mai một do ít người kế thừa xuất sắc. Tuy nhiên nó vẫn được truyền bá mạnh mẽ ở Nhật từ thế kỷ 13 cho tới nay bởi khai tổ Tông Tào Động Nhật Bản là Thiền sư Đạo Nguyên Hy Huyền và là pháp tu tập chính trong các tự viện Tào Động Nhật Bản. Pháp môn này được nhiều vị Thiền sư Tào Động nhật bản hiện đại truyền sang Phương Tây, Mỹ Quốc với nhiều thiền đường và các hành giả tu tập tọa thiền....

Lời dạy của cổ đức Thiền sư về ý chỉ tu tập Thiền Mặc Chiếu:

Muốn tới chổ chân thật đó(ngộ Phật tính), chỉ có cách là ngồi lặng yên mà thầm cứu xét vào tận thâm sâu mới nhận ra yếu chỉ. Bằng cách bên ngoài đừng để bị các thứ nhân duyên lôi cuốn và để tâm mình rỗng rang, trong sáng mà bao dung, chiếu soi mầu nhiệm mà chuẩn đích. Còn bên trong, không một ý niệm phan duyên nào, rỗng rang riêng giữ nhưng chẳng mê mờ, sáng suốt bặt hết các thứ đối nhưng mà vẫn tự đắc! Chổ đắc đó chẳng lệ thuộc theo tình, mà trống trải rỗng ruốt, hoàn toàn không nương gá vào đâu cả, với tinh thần cao vút và sảng khoái, Cái mới đắc đó chẳng tùy thuộc vào các tướng cấu uế và cái chổ đó cũng dứt bặt cả sự đắc.

— Thiền sư Hoằng Trí Chính Giác, Hoằng Trí Quảng Lục, bản dịch Tiếng Anh

Lặng lẽ mà sáng trong, sáng trong mà thông suốt thì mới có thể thuận theo và ứng hợp với sự việc đến với mình, nhưng sự sự không ngăn ngại. Phiêu diêu ra ngoài mây cuốn, tỏ rõ ra khỏi trăng nhuần. Hết thảy nơi nào cũng sáng tỏ, thần biến mà hoàn toàn không có tướng gì ngăn ngại được, và tương ưng từng chút như mũi tên được bọc lại cẩn thận. Rồi nuôi dưỡng nó thuần thục, thể được yên ổn, tùy thuận chổ nào cũng sáng tỏ, bặt hết góc cạnh, chớ nói lý lẽ, tựa như trâu trắng, mèo hoang ấy đi, gọi là kẻ thành mười sự, cho nên nói: Đạo giả vô tâm nên được như vậy, chưa được vô tâm thì rất khó.

— Thiền sư Hoằng Trí Chính Giác, Hoằng Trí Quảng Lục, bản dịch Tiếng Anh.

Chẳng màng được sức hay không được sức, mờ tối tán loạn hay chẳng mờ tối tán loạn, mà chỉ cần tỉnh thức!

— Thiền sư Tuyết Đình Phúc Dụ, Thiền quan sách tiến tiền tập chư tổ pháp ngữ tiết yếu

Các bậc cổ đức nói rằng, người tham thiền phải quên thân tâm. Chỉ cần ngồi là được, chẳng cần thắp hương, lễ bái, niệm Phật, tu sám, đọc kinh

— Thiền sư Đạo Nguyên Hi Huyền, Chính pháp nhãn tạng, quyển 32

Phàm tọa thiền thẳng khiến người mở sáng tâm địa, an trụ chỗ bổn phận. Chỗ ấy gọi là "bản lai diện mục" (mặt thật xưa nay), cũng gọi là "bản địa phóng quang" (chỗ đất mát mẻ sáng suốt). Thân tâm đều quên mất, ngồi nằm đồng xa lìa. Cho nên không nghĩ thiện, không nghĩ ác, siêu cả phàm thánh, vượt khỏi xét bàn của mê ngộ, rời bờ mé Phật và chúng sanh. Thế nên, bỏ hết muôn việc, buông sạch các duyên, tất cả không làm, sáu căn không tạo tác. Cái ấy là cái gì? – Chưa từng biết tên, không phải thân, không phải tâm, muốn suy nghĩ thì suy nghĩ bặt, muốn nói năng thì nói năng cùng, như ngu như ngây, núi cao không bày đảnh, biển sâu không thấy đáy không đối duyên mà chiếu. Mắt sáng ngó xuyên cả mây, không suy nghĩ mà thông, biết khắp mà không nói, ngồi trongtrời đất riêng bày toàn thân, không phải chỗ suy tính của đại nhân, lặng lẽ tợ hồ người chết. Không có cái gì che lấp được mắt, không một mảy bụi dính được chân, thì chỗ nào có bụi bặm ? Vật gì làm chướng ngại ? Nước trong vốn không trên dưới, hư không trọn không trong ngoài, trong trẻo sáng suốt, tự chiếu thần diệu, sắc không chưa phân, cảnh trí đâu lập, từ xưa đến nay chung ở đã nhiều kiếp mà không có tên.Đức Tam Tổ Tăng Xán gọi là tâm, ngài Long Thọ gọi là thân. Nó biểu hiện tánh, tướng và thể của chư Phật. Tướng mặt trăng tròn sáng này không thiếu khuyết, không dư thừa. Tức tâm này là Phật, tự mình sáng chiếu thấu xưa suốt nay, được cái biến tướng của ngài Long Thọ, thành Tam-muội của chư Phật.

— Thiền sư Oánh Sơn Thiệu Cẩn, Tọa Thiền Dụng Tâm Ký

Nay tọa thiền chính là vào biển Phật tánh, tức là nêu bày cái thể chư Phật, cái diệu tịnh minh tâm sau có chóng hiện tiền. Một phần sáng suốt xưa nay được hoàn toàn viên chiếu. Nước biển không thêm bớt, sóng mòi cũng không lui sụt. Chư Phật vì một đại sự nhân duyên xuất hiện ra đời là chỉ thẳng chúng sanh khai thị ngộ nhập tri kiến Phật, mà có diệu thuật tịch tĩnh vô lậu đó là tọa thiền. Tọa thiền tức là cái Tam-muội chư Phật tự thọ dụng, cũng gọi là Tam-muội vua Tam-muội. Nếu một khi an trụ trong Tam-muội này, liền mở sáng tâm địa, khéo biết cửa chính vào Phật đạo

— Thiền sư Oánh Sơn Thiệu Cẩn, Tọa Thiền Dụng Tâm Ký

Ảnh hưởng của Phật giáo Đại Thừa

Mặc dù Thiền Tông có chủ trương là truyền ngoái giáo lý, không lập văn tự nhưng trong Thiền Tông vẫn có những ảnh hưởng xuất phát từ nền tảng Kinh Điển Phật giáo Đại Thừa. Các tư tưởng Đại Thừa như Bồ Tát Đạo, Trung Quán, Duy Thức, Bát Nhã Ba La Mật, Lăng Già Kinh và các kinh sách Đại thừa khác diễn nói về Tư Tưởng Phật Tính như Hoa Nghiêm Kinh, Viên Giác Kinh, Kim Cang Kinh... cũng có ảnh hưởng đến tư tưởng, giáo lý của Thiền Tông. Tư tưởng Trung Đạo và Bát Nhã có thể tìm thấy trong Thiền Tông qua việc tông này nhấn mạnh đến tinh thần trí huệ Bát Nhã (vô sư trí) và việc sử dụng các Thiền ngữ trong văn học Thiền Tông.

Giáo pháp Kinh Hoa Nghiêm của Tông Hoa Nghiêm cũng có sự ảnh hưởng đến Thiền Tông. Một ví dụ có thể thấy là giáo lý Tứ Pháp Giới quan trong của Hoa Nghiêm Tông đã được Thiền sư Động Sơn Lương Giới- Khai Tổ Tông Tào Động dùng làm nền tảng để sáng lập ra học thuyết Động Sơn Ngũ Vị, nhằm nói về các quá trình tu chứng của người tu học.